Phụ huynh mừng, giáo viên băn khoăn khi bỏ chấm điểm tiểu học

Tháng Bảy 1, 2015 10:49 sáng

Bên cạnh niềm vui của phụ huynh khi không phải thấy con buồn rầu với bài chính tả được 5-6 điểm, nhiều giáo viên lo ngại việc hoàn toàn không chấm điểm sẽ khó đánh giá chính xác sự tiến bộ trong nhận thức của các con.

Có con học lớp 2 tại tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), chị Phương Thúy rất vui khi biết tin Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định bỏ chấm điểm tiểu học.

Chị Thúy cho biết, con trai chị không được chấm điểm khi họp lớp 1. Học sinh nào làm bài đúng hết, cô giáo sẽ tặng một bông hoa và cứ 2-3 bông hoa là đổi được cục tẩy, cái thước kẻ hoặc bút… Khi ấy bé Bibo (tên thân mật của con trai chị Thúy) rất thích phấn đấu để nhận được hoa, đổi được quà.

Học hè lớp 2 có chấm điểm, nhiều hôm Bibo đi học về mặt buồn thiu vì bị điểm kém. “Hỏi mãi con mới chịu trả lời là được 6 điểm Chính tả. Hôm nào đạt 9-10 điểm, vừa gặp mẹ là bé háo hức khoe luôn. Trước đây con không quan tâm đến điểm số mà chỉ hào hứng kiếm đủ 10 bông hoa để đổi hộp bút chì màu cho em gái, để bố mẹ đỡ phải mua”, chị Thúy kể.

Nhìn con trải qua những mô hình đánh giá tiểu học, chị Thúy rất ủng hộ việc bỏ chấm điểm. Theo chị, điểm số làm các bé bị áp lực khi so sánh điểm với bạn bè, đặc biệt là câu hỏi “Hôm nay con được mấy điểm” từ phụ huynh.

bo-cham-diem-tieu-hoc-6715-141-5852-1735-1410425505Bé Trọng Nhân, lớp 2 trường tiểu học Nghĩa Tân, con trai chị Phương Thúy.

Vị phụ huynh này rất ủng hộ việc bỏ chấm điểm tiểu học để giảm áp lực cho học sinh.

Chị Nguyễn Mai Lan, phụ huynh bé Lê Đình Bằng Vũ (lớp 1E, tiểu học Nguyễn Du, Hà Nội) cho rằng, mặt mạnh của chấm điểm là cho thấy năng lực, sự tiến bộ rõ rệt của học sinh. Tuy nhiên, cách đánh giá này tạo áp lực lớn. “Tâm sinh lý của lứa tuổi mới rời mẫu giáo chỉ học những thứ mình thích mà sở thích thì không chấm điểm được. Do vậy, việc khơi dậy niềm đam mê, sở thích với các bé lớp đầu tiểu học quan trọng hơn việc đánh giá”, chị Lan phân tích.

Phụ huynh này chia sẻ rằng, khi đánh giá học sinh tiểu học bằng điểm số, có những cha mẹ mong con học tốt, đạt điểm cao mà vô tình đưa ra phương pháp giáo dục phản tác dụng như: nhồi nhét, la mắng, bắt học thêm ngoài giờ. Điều này khiến các bé căng thẳng. Chị Lan đồng tình với việc bỏ chấm điểm tiểu học, điều mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và cho thấy tính hợp lý khi giảm áp lực cho phụ huynh, học sinh.

“Dù đánh giá thế nào, theo tôi, không nên tuyệt đối hóa, coi đó là đúng nhất. Trẻ con tiểu học cần học những thứ ngoài sách vở nhiều hơn và thước đo chính là nhận thức của các cháu với thế giới xung quanh, sự cảm nhận, sẻ chia, yêu thương và thấu hiểu”, chị Lan nói.

Anh Hà Tuấn, có con học lớp 1 trường tiểu học Phương Canh (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng học sinh tiểu học, nhất là các bé lớp 1, cần rèn luyện ý thức, phương pháp học tập, tu dưỡng đạo đức… để hình thành nhân cách chứ không chỉ đơn thuần là điểm số môn học.

Đồng tình với việc bỏ chấm điểm tiểu học, nhưng anh Tuấn cũng cho rằng nếu hoàn toàn không chấm điểm sẽ khó đánh giá chính xác sự tiến bộ của các con trong nhận thức. Theo anh, điều này chỉ nhận ra được (dưới góc độ phụ huynh) thông qua những điểm số cô giáo chấm. “Nếu bỏ hoàn toàn việc chấm điểm thì sẽ khó có sự chia sẻ giữa nhà trường và gia đình. Vậy nên chăng, cần những đánh giá theo hình thức bài kiểm tra tháng một lần, hoặc sự tính toán thế nào cho hợp lý”, phụ huynh này đề xuất.

hoc-sinh-lop-1-2941-1410423711-1555-1410425505

       Bên cạnh việc vui mừng vì con không bị áp lực điểm số, nhiều phụ huynh

bày tỏ mong muốn thầy cô công tâm khi nhận xét các con.

Là giáo viên dạy Tiếng Việt cho các bé học lớp 4-5 khối tiểu học, trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội), cô Nguyễn Thị Mai Hương rất băn khoăn trước thông tư mới về đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục. Cô Hương cho biết, các hướng dẫn trong thông tư của Bộ còn khá chung chung, không có một mẫu chuẩn cho giáo viên áp dụng. “Đánh giá thường xuyên không chấm điểm, nhưng đến cuối kỳ, cuối năm vẫn chấm điểm, như vậy việc định lượng sự tiến bộ của học sinh sẽ khó. Các cô giáo cũng vất vả hơn khi phải viết lời nhận xét dài cho từng học sinh”, cô Hương tâm sự.

Cô giáo Hương phân tích, việc không chấm điểm phù hợp với các lớp nhỏ, nhưng gây khó khăn cho học sinh lớp lớn. Theo cô, các em lớp 4-5 đã đủ nhận thức để định lượng được sức học của mình. Nếu không đánh giá bằng điểm số, học trò và phụ huynh sẽ khó thấy được trình độ, sự tiến bộ của bản thân. Cô Hương đề xuất nên kết hợp cả việc đánh giá bằng điểm số về mặt kiến thức và đánh giá bằng lời nhận xét với vấn đề nề nếp, đạo đức của học sinh.

Theo cô, điểm số không gây áp lực cho học trò, quan trọng nhất là cách chấm ra sao và phụ huynh ứng xử thế nào. Với học sinh làm bài không tốt, cô Hương luôn cho các em thời gian làm lại rồi mới chấm điểm theo hướng động viên. “Có những lời nhận xét đôi khi còn gây áp lực, tổn thương cho học sinh nhiều hơn cả điểm số. Quan trọng nhất là cách ứng xử của thầy cô, đặc biệt là phụ huynh với kết quả học tập của con em mình”, giáo viên tiểu học nói.

Hiệu trưởng Nguyễn Thu Mai của tiểu học Lômônôxốp đồng tình với việc không chấm điểm học sinh lớp bé nhưng với các lớp lớn, bà đề nghị nên có sự kết hợp cả cho điểm và nhận xét.

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ra thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT quy định về Đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó, từ ngày 15/10/2014, việc đánh giá học sinh tiểu học sẽ được điều chỉnh theo hướng, chỉ cho điểm với bài kiểm tra định kỳ (cuối học ky I và cuối năm học), không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập của học sinh.

Cụ thể, trong quá trình đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi những nhận xét đáng chú ý nhất vào Sổ theo dõi chất lượng giáo dục như kết quả học sinh đạt được hoặc chưa đạt được, biện pháp giúp học sinh vượt qua khó khăn; các biểu hiện cụ thể về sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Quá trình đánh giá thường xuyên tập trung vào mục tiêu kiểm tra sự hình thành 3 năng lực (tự phục vụ, giao tiếp, giải quyết vấn đề) và 4 phẩm chất (chăm học, tự chịu trách nhiệm, trung thực, yêu quê hương, đất nước) của học sinh.